Với sự xuất hiện những bản kinh Phạn có trong CD hiện nay, và với sự trợ giúp bài vở và chương trình nhập văn bản bằng chữ Deva trên vi tính của chú Đỗ Quốc Bảo, huynh đệ chúng tôi cùng nhau tự học và soạn lại cách viết mẫu tự Phạn, tạo sự dễ dàng cho những huynh đệ thích bước vào rừng Phạn văn.
Học xong 48 mẫu tự và những biến thể của nó, chúng ta có thể âm ra la tinh các văn bản ghi bằng chữ Deva, và có thể tra tự điển để hiểu nghĩa của từ, nhưng muốn hiểu và dịch được một bản văn thì cần biết thêm về ngữ pháp mới có thể dịch chính xác.
Bài soạn chúng tôi căn cứ theo quyển Giáo Trình Phạn Văn của Đỗ Bảo & Chí Cần, Phạn Ngữ Sơ Giai (梵語初階) của Đài Loan, cùng những quyển sách đọc được trong quá trình tham khảo. Phần bài tập căn cứ vào Đại tự điển Phạn-Hán và Tự Điển Phật Học của Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách.
Một từ Phạn có nghĩa thông thường và nghĩa trong kinh, chúng tôi chọn cả hai để chúng ta có thể hiểu được sự khó khăn của những công trình phiên dịch kinh điển lần đầu từ Phạn sang Hán. Và nếu dịch thẳng Phạn-Việt thì chắc bước đầu cũng nhiều khó khăn như thế, vì từ ngữ tương đương chưa có đủ.
Đây chỉ là bước khởi đầu trên đường vạn dặm đi vào cửa ngõ kinh điển Phạn văn Đại thừa còn để lại. Từ những ngày đầu khó khăn không đủ phương tiện thông tin như hiện nay, với những tấm gương các bậc danh tăng Tây Vực, đã trải qua muôn ngàn hiểm trở gian nguy, từ Bắc Ấn vào Trung nguyên đem theo những cuộn kinh điển nhằm phiên dịch và truyền bá, vẫn là niềm sách tấn vô bờ. Ngày nay chỉ với một dĩa CD đã gói gọn những bộ kinh Phạn, khi mở ra, chúng tôi thực sự bồi hồi xúc động với sự gìn giữ duy trì suốt hơn hai ngàn năm qua, để có được ngày hôm nay.
एवं मया
श्रुतम्। Evaṃ
mayā śrutam như vầy tôi nghe...
Kính
ghi,
Cuối Đông, 20-12-2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét